Cách hợp thửa khi 2 thửa đất khác mục đích sử dụng
Hiện nay, tôi có 2 thửa đất liền kề nhau. Thửa số 1 bao gồm đất ở và đất vườn. Thửa số 2 toàn bộ là đất vườn. Trong trường hợp này, tôi có thể thực hiện thủ tục hợp thửa được không và cách thức hợp thửa như thế nào ? Xin cảm ơn!
Trả lời:
Khoản 1 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định: thửa đất là phần diện tích đất được giới hạn bởi ranh giới xác định trên thực địa hoặc được mô tả trên hồ sơ.
Tiết a Điểm 2.3 Khoản 2 Điều 8 Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về bản đồ địa chính: “Thửa đất được xác định theo phạm vi quản lý, sử dụng của một người sử dụng đất hoặc của một nhóm người cùng sử dụng đất hoặc của một người được Nhà nước giao quản lý đất; có cùng mục đích sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai”.
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, người sử dụng đất được quyền hợp thửa, tách thửa khi có nhu cầu, tuy nhiên, để có thể hợp thửa phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
1. Hai thửa đất phải liền kề: điều này có nghĩa là hai thửa đất đó phải có vị trí nằm tiếp giáp với nhau, chung ranh giới với nhau thì mới có thể thực hiện việc hợp thửa được.
2. Hai thửa đất phải có cùng mục đích sử dụng: nếu hai thửa đất ban đầu không cùng mục đích sử dụng thì người sử dụng đất phải tiến hành thủ tục thay đổi mục đích sử dụng đất đối với thửa đất để chúng có cùng mục đích sử dụng.
3. Diện tích sau khi hợp thửa không được vượt quá hạn mức sử dụng đất theo quy định của pháp luật:
Hạn mức đất là diện tích tối đa cho người sử dụng đất được hưởng các quyền lợi hoặc thực hiện các nghĩa vụ theo quy định. Ngoài hạn mức đó, người sử dụng đất sẽ bị hạn chế quyền lợi hoặc không được áp dụng các chế độ miễn giảm theo quy định.
Hạn mức được giao, thuê đất còn phải tùy thuộc vào mục đích sử dụng của loại đất đó, còn có thể tùy vào từng vùng địa phương mà hạn mức đất được giao hoặc thuê cũng khác nhau. Nên cần phải xem xét tại từng địa phương mới đưa ra được hạn mức hợp thửa.
4. Hai thửa đất phải có cùng một người sử dụng đất: Hai thửa đất được hợp thửa phải thuộc quyền sử dụng của một người mới có thể được hợp thửa.
Theo thông tin Anh/Chị cung cấp thì thửa đất số 1 có mục đích sử dụng vừa là đất ở, vừa là đất vườn cho nên để thực hiện việc hợp thửa với thửa đất số 2, anh/chị phải tiến hành thủ tục thay đổi mục đích sử dụng đất để hai thửa có cùng mục đích sử dụng.
Đối với thủ tục hợp thửa theo quy định của pháp luật thì Anh/Chị có thể tham khảo như sau:
Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ hợp thửa
Người có nhu cầu hợp thửa cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ như sau:
- Đơn đề nghị hợp thửa theo Mẫu;
- Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp (Bản gốc Sổ đỏ).
Ngoài ra, cần mang chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân để xuất trình khi có yêu cầu.
Lưu ý: Trường hợp có thay đổi số giấy chứng minh nhân dân, số thẻ căn cước công dân, địa chỉ trên Giấy chứng nhận đã cấp thì người sử dụng đất nộp thêm các giấy tờ sau:
+ Bản sao chứng minh nhân dân mới hoặc căn cước công dân mới hoặc sổ hộ khẩu;
+ Giấy tờ khác chứng minh thay đổi nhân thân đối với trường hợp thay đổi thông tin của người có tên trên Giấy chứng nhận.
Bước 2. Nộp hồ sơ
- Nộp hồ sơ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện, nơi đã tổ chức Bộ phận một cửa thì nộp tại Bộ phận một cửa.
- Địa phương chưa có Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Bộ phận một cửa thì nộp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường.
- Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư nộp hồ sơ tại UBND cấp xã (xã, phường, thị trấn) nếu có nhu cầu.
Trường hợp nhận hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian tối đa 03 ngày, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.